Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tóm tắt các quy định, điều luật cơ bản và các mức xử phạt về ATGT
 

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên bao nhiêu thì các phương tiện giao thông hiện đại càng phổ biến bấy nhiêu kéo theo đó là sự đông đúc trên đường phố cùng với tai nạn giao thông ngày càng tăng lên đáng kể. Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông thực sự là một vấn đề quan trọng của nhân loại.

An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.

Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể thống kê được rất nhiều những vụ tai nạn giao thông để lại nhiều hậu quả đáng buồn. Tại sao việc an toàn giao thông lại khó đến vậy? Nguyên nhân điều này là do đâu? Đó là do người dân không chỉ chủ quan mà còn thiếu ý thức trách nhiệm trong khi tham gia giao thông, chỉ chấp hành luật khi thấy có công an giao thông, nếu sơ hở là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạn lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm,… Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không bao giờ dùng tới xi nhanh, đèn hiệu, còi,… Nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái và gây tai nạn. Những tai nạn gây ra hầu hết đều là do sự vô ý thức của chính người dân và đã thiệt hại rất nhiều về người và của.

Như vậy rõ ràng an toàn giao thông đóng một vai trò quan trọng cho cá nhân và cho xã hội. Việc chấp hành các nội dung trong điều luật về an toàn giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra một cách đáng kể. Tai nạn giảm thiểu, số người chết và bị thương do những tai nạn gây ra cũng giảm theo và bớt đi phần nào những nỗi đau đớn mất mát mà gia đình và cá nhân phải chịu đựng khi có một người vì tai nạn giao thông mà mất đi sinh mạng hoặc di tật cả đời.

Thêm vào đó, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng là giảm thiểu chi phí do việc này gây ra. Đối với một xã hội mà an toàn giao thông được giữ vững, luật giao thông được chấp hành, người tham gia giao thông có ý thức và an toàn thì nhất định là một xã hội ngày càng đi lên. Mỗi chúng ta để thực hiện được an toàn giao thông thì cần tự xác lập cho mình ý thức trách nhiệm về việc chấp hành những quy định khi tham gia giao thông. Quy định được đặt ra không chỉ để chấp hành mà là những quy chuẩn nhất định để bảo vệ sự an toàn của chúng ta vì vậy hãy chấp hành nó là vì sự an toàn của chính mình, đừng đối phó hay chống đối, điều này không có ích lợi cho ai cả. Những điều như không vượt đèn đỏ, tốc độ đúng quy định, không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông,… cần được nghiêm túc chấp hành để tạo nền móng cho một xã hội văn minh, an toàn.

Nhưng ngày nay, không thiếu những hành vi coi thường luật giao thông để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Những hành vi ấy nhất định cần có biện pháp xử lí đích đáng. “Phía trước tay lái là cuộc sống”. Hãy nhớ khẩu hiệu đó và luôn có ý thức trách nhiệm giữ an toàn giao thông cho người khác ở mọi lúc mọi nơi.

* Những điều luật giao thông đường bộ cơ bản mà người tham gia giao thông cần chấp hành.

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, sức khoẻ
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp như sau:

a) Đăng ký xe.

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển phương tiện.

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện.

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện.

3. Không chở quá số người quy định đối với phương tiện sử dụng tham gia giao thông.

4. Đội mũ bảo hiểm có cài quai hoặc thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện.

5. Đi đúng phần đường, làn đường theo quy định, không đi dàn hàng ngang hoặc đi ngược chiều.

6. Không chở các vận dụng cồng kềnh gây cản trở, khuất tầm nhìn hoặc các hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao.

7. Không sử dụng ô, điện thoại, tai nghe khi đang điều khiển phương tiện.

8. Không lạng nách, đánh võng, bốc đồng, thực hiện đẩy kéo phương tiện khác hoặc tổ chức đua xe.

9. Chấp hành nghiêm các tín hiệu đèn, biển báo giao thông.

10. Nhường đường cho các xe ưu tiên như : xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe đi làm nhiệm vụ


* Những quy định cần biết về luật giao thông đường bộ

1. Cấm uống rượu bia khi lái xe

Cấm hoàn toàn điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Người vi phạm có thể bị phạt tới 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

2. Quy định về đèn vàng

Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác. 

3. Vượt xe phải báo hiệu bằng đèn hoặc còi

Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

4. Chuyển hướng phải bật đèn xi nhan

Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Khi chuyển hướng phải nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ và các xe đi ngược chiều.

Lưu ý, chỉ được rẽ khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

5. Những nơi không được lùi xe

- Ở khu vực cấm dừng;

- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Nơi đường bộ giao nhau;

- Nơi đường bộ giao với đường sắt;

- Nơi tầm nhìn bị che khuất;

- Trong hầm đường bộ;

- Đường cao tốc.

6. Dừng, đỗ xe không cách lề đường phố quá 0,25m

- Dừng xe là trạng thái đừng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết để cho người lên, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác

Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách lề đường, hè phố quá 0,25m; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.

Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
 7. Xe chữa cháy được đi trước tiên

Trong số các xe ưu tiên thì xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ được ưu tiên đi trước các xe khác. Sau đó là lần lượt là

+ Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

+ Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

+ Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai; Đoàn xe tang.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường.

8. Chỉ được “kẹp 3” trên xe máy trong 3 trường hợp

Người điều khiển xe máy chỉ được chở một người, trong 03 trường hợp sau thì được chở 02 người: Chở người bệnh đi cấp cứu; Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; Chở trẻ em dưới 14 tuổi.

Khi ngồi trên xe máy không được sử dụng ô; mang, vác vật cồng kênh; đứng trên yên xe…

9. Người đủ 18 tuổi mới được lái xe máy

- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh dưới 50 cm3

- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên; xe ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn; xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi

- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi

- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi

- Tuổi tối đa của người lái ô tô trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

10. Nhận biết hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bao gồm:

- Tay giơ thẳng đứng: Báo hiệu cho người tham giao thông ở các hướng dừng lại;

- Hai tay hoặc một tay dang ngang: Báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại;

Người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi.

- Tay phải giơ về phía trước: Báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại;

Người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải;

Người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

11. Nhận diện biển báo hiệu đường bộ

Nếu như tín hiệu đèn giao thông có 03 màu thì biển báo hiệu đường bộ có 05 nhóm, gồm:

- Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

- Biển báo nguy hiểm để cánh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

- Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

- Biển  chỉ dẫn để chỉ dần hướng đi hoặc các điều cần biết;

- Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

12. Tốc độ cho phép của các loại xe

·    Trong khu vực đông dân cư:

- Đường đôi; đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên: Tối đa 60km/h;

- Đường hai chiều; đường một chiều có 01 làn xe cơ giới: Tối đa 50km/h.

·    Ngoài khu vực đông dân cư:

- Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn:

+ Tối đa 90 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 80km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới;

- Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc):

+ Tối đa 80 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 70km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông):

+ Tối đa 70 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 60km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc:

+ Tối đa 60 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 50km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.
 13. Khoảng cách an toàn giữa các xe

Bên cạnh đảm bảo tốc độ cho phép, Luật Giao thông yêu cầu người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. 

Tốc độ lưu hành (km/h)

Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)

V= 60

35

60 < V ≤ 80

55

80 < V ≤ 100

70

100 < V ≤ 120

100


- Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường quanh co, đèo dốc…, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách theo biển báo trên đường.
 

14. Cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc

Cấm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Với các phương tiện khác, khi đi vào đường cao tốc, người lái xe phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe…

 

* Những lỗi phạt cơ bản dành cho người vi phạm khi tham gia giao thông

Đối với ô tô

1. Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường (trừ một số trường hợp) – mức phạt 200.000 - 400.000 đồng

2. Chở người trên buồng lái quá số lượng quy định – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

3. Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe – mức phạt từ 800.000 - 01 triệu đồng

4 Chở người trên xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy – mức phạt từ 800.000 - 01 triệu đồng 

5. Bấm còi, rú ga liên tục, sử dụng đèn chiếu xa trong khu dân cư (trừ xe ưu tiên) – mức phạt từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng

6. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe     – mức phạt từ 01 - 02 triệu đồng

7. Lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức tự động không dừng tại các trạm thu phí – mức phạt từ 01 - 02 triệu đồng

8. Vượt đèn đỏ, đèn vàng – mức phạt từ 03 - 05 triệu đồng (tước Bằng 01 - 03 tháng)

9. Không chấp hành hiệu lệnh của CSGT – mức phạt từ 03 - 05 triệu đồng (tước Bằng 01 - 03 tháng)

10. Chạy quá tốc độ từ 05 - dưới 10 km/h – mức phạt từ 800.000 - 01 triệu đồng

11. Chạy quá tốc độ từ 10 - 20 km/h – mức phạt từ 03 - 05 triệu đồng (tước Bằng 01 - 03 tháng)

12. Chạy quá tốc độ từ trên 20 - 35 km/h – mức phạt từ 06 - 08 triệu đồng (tước Bằng từ 02 - 04 tháng)

13. Chạy quá tốc độ từ trên 35 km/h – mức phạt từ 10 - 12 triệu đồng

(tước Bằng từ 02 - 04 tháng)

14. Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở – mức phạt từ 06 - 08 triệu đồng (tước Bằng từ 10 - 12 tháng)

15. Nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1l khí thở        – mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng (tước Bằng 16 - 18 tháng)

16. Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 l khí thở. – mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng (tước Bằng 22 - 24 tháng)

 

Đối với xe máy

1. Không xi nhan khi chuyển làn – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

2. Không xi nhan khi chuyển hướng – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

3. Chở theo 02 người – mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng

4. Chở theo 03 người – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (tước Bằng từ 01 - 03 tháng)

5. Không xi nhan, còi khi vượt trước – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

6, Dùng điện thoại, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) – mức phạt từ 600.000 - 01 triệu đồng (tước Bằng từ 01 - 03 tháng)

7. Vượt đèn đỏ – mức phạt từ 600.000 - 01 triệu đồng (tước Bằng từ 01 - 03 tháng)

8. Sai làn – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

9. Đi ngược chiều – mức phạt từ 01 - 02 triệu đồng

10. Đi vào đường cấm – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

11. Không gương chiếu hậu – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

12. Không mang Bằng – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

13. Không có Bằng – mức phạt từ 800.000 đồng - 1.2 triệu đồng

14. Không mang đăng ký xe – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

15. Không có đăng ký xe – mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng

16. Không có hoặc không mang bảo hiểm – mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

17. Không đội mũ bảo hiểm – mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng

18. Vượt phải – mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

19. Dừng, đỗ không đúng nơi quy định – mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng

20. Có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0.25 mg/1 lít khí thở – mức phạt từ 02 - 03 triệu đồng (tước Bằng từ 10 - 12 tháng)

21. Nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.25 đến 0.4 mg/1 lít khí thở – mức phạt từ 04 - 05 triệu đồng (tước Bằng từ 16 - 18 tháng)

22. Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.4 mg/1 lít khí thở – mức phạt từ 06 - 08 triệu đồng (tước Bằng từ 22 - 24 tháng)

23. Chạy quá tốc độ quy định từ 05 đến dưới 10 km/h – mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng

24. Chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến 20 km/h – mức phạt từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng

25. Chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h – mức phạt từ 04 - 05 triệu đồng (tước Bằng từ 02 - 04 tháng)

Tin tức
Đăng nhập
 
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang